Sử dụng gỗ công nghiệp góp phần vì cuộc sống xanh
Chế biến gỗ phục vụ tiêu dùng tại một doanh nghiệp ở KCN Đông Bắc Sông Cầu
Trước tình trạng diện tích rừng ở nước ta ngày càng bị thu hẹp, việc khuyến khích người dân sử dụng gỗ công nghiệp là một trong những giải pháp giúp hạn chế nạn phá rừng, góp phần bảo vệ môi trường sống.
Gỗ là vật liệu được ưa chuộng trong trang trí nội thất bởi các ưu điểm như: vân đẹp, có độ bền cao, dễ chế tác, dễ chạm khắc những hoa văn độc đáo. Vì vậy, dù có rất nhiều vật liệu khác có thể thay thế, nhưng đồ nội thất từ gỗ hiện vẫn được người tiêu dùng xem là lựa chọn hàng đầu.
Hiện nay, đến bất kỳ một xưởng mộc truyền thống nào đặt làm đồ gỗ nội thất, khách hàng thường phải chi khá nhiều tiền và mất vài tháng đến cả năm mới nhận được hàng. Mặc dù giá cả đắt đỏ và phải đợi lâu nhưng sản phẩm làm từ gỗ luôn được người tiêu dùng lựa chọn. Ông Lưu Văn Chấn, một thợ mộc ở thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa), cho biết: Nếu so sánh về độ bền của nội thất thì sản phẩm làm bằng gỗ công nghiệp sẽ không bằng gỗ tự nhiên vì chưa đáp ứng được yêu cầu “ăn chắc mặt bền”.
Còn chị Lê Thị Kim Chi ở xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa cảm thấy không hài lòng với những món đồ gỗ được đóng thủ công. Chị Chi chia sẻ: “Tôi chi 10 triệu đồng để đóng một tủ quần áo. Tuy nhiên, tủ có dáng dấp rất thô. Mỗi khi vào mùa mưa, gỗ nở ra nên cánh cửa tủ không đóng khít được. Còn vào mùa nắng, gỗ co lại tạo kẽ hở nên gián chui vào cắn phá quần áo. Tôi ở nhà của cha mẹ để lại nên được thừa kế khá nhiều món đồ gỗ cũ. Tuy gỗ rất tốt và không bị hư hỏng nhưng khá lỗi thời và chỉ chứa được một ít đồ nên bỏ đi thì uổng mà để đó xài thì chiếm quá nhiều diện tích. Tôi nghĩ đóng nội thất bằng gỗ tự nhiên chưa phải là lựa chọn tốt nhất!”.
Giữa hai xu hướng dùng gỗ thiên nhiên hay gỗ công nghiệp, ông Lê Văn Thứng, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Phú Yên cho rằng, cả hai loại gỗ trên đều có những ưu và nhược điểm khác nhau. Vậy nên sự lựa chọn ở đây chủ yếu theo phong cách, nhu cầu của mỗi người là chính. Theo ông Thứng, gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm và hầu hết đều được nhập khẩu nên giá gỗ cao, chất lượng gỗ chỉ ở mức trung bình và chi phí gia công, chế tác thủ công đắt đỏ.
Trong khi đó, với công nghệ sản xuất gỗ công nghiệp hiện đại, ván gỗ, gỗ ghép thanh ra đời với nhiều chủng loại phong phú, màu sắc đa dạng, hiện đại, sang trọng, dễ thiết kế, phong phú về màu sắc, giá thành hợp lý, phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau trong nội thất. Gỗ công nghiệp mặt khác cũng mang những đặc tính ưu việt mà gỗ tự nhiên không thể so sánh được như: không cong vênh, co ngót, giá thành rẻ. Cùng với công nghệ sản xuất tiên tiến, tuổi thọ của đồ nội thất gỗ công nghiệp sẽ được trên 10 năm và thời gian đó đủ để người sử dụng có thể thay đồ nội thất khác.
Bên cạnh những lợi ích trước mắt, một nguyên nhân rất quan trọng để người sử dụng nên chọn gỗ công nghiệp là bởi rừng đang biến mất nhanh chóng trên toàn thế giới. Những mất mát của tài nguyên thiên nhiên này có thể là một thảm họa không chỉ đối với một địa phương, một quốc gia mà cả hành tinh của chúng ta.
Điều này được minh chứng bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Trước thực tế đó, việc chuyển sang dùng gỗ công nghiệp là một xu hướng tất yếu, phù hợp, thể hiện ý thức bảo vệ môi trường và góp phần lan tỏa xu hướng tiêu dùng xanh trong nội thất nhà ở. Đây cũng là xu hướng chung của các nước phát triển trên thế giới.
Theo ông Lê Văn Thứng, về mặt khách quan, sau hơn 40 năm tái thiết đất nước, rất nhiều gỗ quý trong tự nhiên đã được khai thác để phục vụ cho đời sống và sản xuất nên nguồn gỗ rừng tự nhiên trở nên cạn kiệt. Hiện Phú Yên có khoảng 20.000ha rừng đặc dụng (gồm rừng đặc dụng Đèo Cả và rừng đặc dụng Krông Trai); 98.900ha rừng phòng hộ và 104.000ha rừng sản xuất, chiếm khoảng 40% trên tổng diện tích tự nhiên.
Ở những khu vực rừng trên, đa phần đều có lực lượng bảo vệ, tuần tra, canh gác và người dân không được phép khai thác. Riêng ở những vùng núi xa xôi, hiểm trở việc khai thác gỗ trở nên khó khăn nên nhiều thợ rừng không còn khai thác nữa. Điều đó cho thấy nguồn gỗ rừng tự nhiên không thể nào thỏa mãn được nhu cầu sử dụng của người dân, nên việc chuyển sang dùng gỗ công nghiệp là việc cần thiết.
“Tài nguyên rừng không vô tận khi con người không có ý thức bảo vệ. Vì vậy, để rừng giúp chúng ta chống lại các thảm họa thiên nhiên, là mái nhà cho sự sống, là lá phổi của trái đất… thì chúng ta cần nâng cao ý thức bảo vệ rừng bằng những hành động thiết thực, cụ thể. Việc sử dụng gỗ công nghiệp thay thế cho gỗ tự nhiên không chỉ có ý nghĩa trong thời điểm hiện tại mà là thể hiện trách nhiệm gìn giữ môi trường sống xanh cho các thế hệ mai sau”, ông Lê Văn Thứng chia sẻ.